CHÙA PHÁP HOA – Di tích lịch sử cấp Thành phố

0
20

Chùa Pháp Hoa là cơ sở cách mạng trong hai thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ:

Vào những năm 1900, Phú Nhuận còn hoang vu, đất đai rộng rãi, nhiều người dân từ Quảng Nam và miền Trung tham gia phong trào chống thuế năm 1908 bị thực dân Pháp truy bắt gắt gao nên đã chạy vào vùng đất Phú Nhuận để khai khẩn đất hoang và làm thuê, làm mướn sinh sống, trong đó có các nhà sư yêu nước như: nhà sư Quang Minh và Thích Đạo Thanh về ấp Đông Nhì, xã Phú Nhuận lập một thảo am, đặt hiệu là Thảo am Pháp Hoa từ năm 1928 – tiền thân của chùa Pháp Hoa hiện nay. Mục đích để làm nơi trú chân, nơi lui tới của các bậc sĩ phu, chí sĩ, chư tăng, trí thức, các nhà yêu nước. Đây là một trong những cơ sở cách mạng trong cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của nhân dân ta:

1. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp

– Trước năm 1945, thảo am Pháp Hoa và chùa Pháp Hoa là nơi ẩn náu của những người bị chính quyền phong kiến Nam triều dưới thời Pháp thuộc đàn áp và truy bắt ở miền Trung Việt Nam. Chùa Pháp Hoa đã giúp đỡ bà con lao động nghèo từ Quảng Nam vào khai khẩn đất hoang ở làng Phú Nhuận. Đặc biệt, trong những năm 1930–1940, chùa Pháp Hoa là một trong những địa điểm hoạt động của phong trào “Chấn Hưng Phật giáo” ở Nam Bộ.

– Sau năm 1945, chùa Pháp Hoa là một cơ sở bí mật nằm ngay trong vùng ven đô của thành phố Sài Gòn – Chợ Lớn, là nơi ẩn náu, liên lạc của nhiều cán bộ, chiến sĩ Ban Công tác số 6 của Đặc khu ủy Sài Gòn – Chợ Lớn, nơi tu hành của 3 vị sư (Thích Giải Hạnh, Thích Như Chánh, Thích Như Toàn) là đồng đội của Đội Biệt động 65.

– Từ năm 1945 cho đến năm 1950, chùa Pháp Hoa là nơi trú ẩn và liên lạc từ nội thành với chiến khu kháng chiến An Phú Đông và là cơ sở liên lạc của các chiến sĩ từ Quảng Nam – Đà Nẵng vào Sài Gòn – Chợ Lớn hoạt động đổi vùng, tránh địch lùng bắt.

Chùa còn là nơi thường xuyên lui tới của nhiều trí thức yêu nước như ông Phán, ông Kim, đốc công Nguyễn Văn Hòa (người thiết kế và xây dựng căn hầm bí mật tại chùa). Hầm bí mật được sử dụng để nuôi giấu cán bộ và cơ sở cất giấu báo “Tiếng súng kháng địch” của Ban Trí vận thuộc Xứ ủy Nam Kỳ.

Những sự kiện lịch sử trên gắn với công lao của Hòa thượng Thích Đạo Thanh.  Với 34 năm giữ cương vị trụ trì chùa Pháp Hoa, Hòa thượng đã cùng các học trò làm hết sức mình để đồng hành cùng đồng bào các giới thành phố Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cho đến lúc Hòa thượng viên tịch vào ngày 14/10/1962. Cái duyên đến với cách mạng của Hòa thượng Thích Đạo Thanh có nguồn gốc từ lòng yêu nước và gặp được đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam thông qua Hòa thượng Thích Thiện Chiếu là chiến sĩ cách mạng của giới Phật giáo Việt Nam.

Với chùa Pháp Hoa, Hòa thượng Thích Thiện Chiếu vừa là người bạn, vừa là đồng môn với Hòa thượng Thích Đạo Thanh. Do vậy cùng với đồng tâm chấn hưng Phật giáo, Hòa thượng Thích Thiện Chiếu đã lấy chùa làm cơ sở lui tới hoạt động. Chùa Pháp Hoa là cơ sở cách mạng ngày từ những năm đầu sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập. Đây là tiền đề rất quan trọng làm cơ sở vững chắc cho những giai đoạn tiếp theo.

Chùa còn là một cơ sở lưu trú của nhiều cán bộ, chiến sĩ, trong đó có những cán bộ cao cấp để nắm tin tức về tình hình địch trước khi thực hiện nhiệm vụ mới; nơi dây được xem là nơi thân thương như gia đình vì nơi đây là địa điểm liên lạc, Hòa thượng Thích Đạo Thanh và học trò của Thầy là chú tiểu Lê Văn Tam (tức Hòa thượng Thích Như Niệm) cũng là chiến sĩ của Tiểu đoàn.

Những sự kiện nêu trên cho thấy chùa Pháp Hoa là cơ sở cách mạng xuyên suốt từ sau Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đến kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

2. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ:

– Từ năm 1963 cho đến 1975, chùa Pháp Hoa do Đại đức sau là Hòa thượng Thích Như Niệm trụ trì. Hòa thượng Thích Như Niệm với cương vị Ủy viên kinh tài cho Lực lượng Phật giáo cách mạng Sài Gòn trực thuộc Ủy ban Mặt trận Dân tộc giải phóng Sài Gòn – Gia Định, đã cùng với các nhà sư Như Nguyệt, Hạnh Thu (tức Phan Minh) hoạt động tại chùa. Chùa Pháp Hoa trở thành cơ sở hoạt động của lực lượng Phật giáo yêu nước Sài Gòn – Gia Định và Ban Cán sự Khu 6 (cực Nam Trung Bộ).

Dưới sự hướng dẫn của Ban Trị sự, chư tăng, Phật tử chùa Pháp Hoa đã tích cực tham gia vào phong trào đấu tranh của đồng bào Sài Gòn – Gia Định, tiêu biểu là các sự kiện:

+ Năm 1963, chư tăng, Phật tử chùa Pháp Hoa đã cùng chư tăng, Phật tử các chùa tại Thành phố Sài Gòn tham gia biểu tình chống chính quyền Ngô Đình Diệm, thực hiện chính sách khủng bố Phật giáo, cấm tổ chức lễ Phật Đản, cấm treo Phật kỳ trong chùa…

+ Năm 1969, đồng bào Phật tử bất chấp sự đàn áp của chính quyền Mỹ – Ngụy đã cùng với nhân dân cả nước tổ chức lễ truy điệu Bác Hồ ngay tại trung tâm đô thành Sài Gòn. Hòa thượng Thích Như Niệm đã dũng cảm mời họa sĩ về chùa vẽ chân dung Bác[1] để làm lễ tưởng niệm để tang Bác tại chùa Khánh Hưng (Quận 3).

+ Từ năm 1969 cho đến ngày 30/4/1975, chư tăng, Phật tử ở chùa Pháp Hoa đã tích cực tham gia chống ngụy quyền, xây căn cứ “lõm” ở Ngã tư Phú Nhuận, xã Phú Nhuận. Trong đó, ngày 07/02/1974, hơn 100 chư tăng, Phật tử chùa Phổ Quang, Pháp Hoa, Quán Thế Âm đã biểu tình chống bắt lính, đòi thả tù chính trị và chống cảnh sát đàn áp. Cuối năm 1974, chư tăng, Phật tử các chùa ở Phú Nhuận, trong đó có chùa Pháp Hoa đã tham gia các cuộc vận động quần chúng tham gia các phong trào Mặt trận cứu đói của ni sư Huỳnh Liên và phong trào Phụ nữ đòi quyền sống của luật sư Ngô Bá Thành chủ xướng; năm 1975, chùa Pháp Hoa là một trong những địa điểm vận động bà con may cờ, chuẩn bị tham gia nổi dậy, dẫn đường, giúp đỡ bộ đội vào giải phóng thành phố trên địa bàn quận Phú Nhuận.

Sau sự kiện Mậu Thân 1968, sư trụ trì chùa Pháp Hoa phải cho tạm lấp căn hầm bí mật để giữ thế hợp pháp, vừa bảo đảm bí mật của một trong những cơ sở Ban liên lạc Phật giáo Cách mạng thành phố, trực thuộc Ủy ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng Sài Gòn – Gia Định.

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, theo chỉ đạo của Ủy ban Mặt trận dân tộc giải phóng Sài Gòn – Gia Định, trực tiếp là Ban chấp hành Lực lượng Phật giáo yêu nước Sài Gòn – Gia Định, Đại đức Thích Như Niệm đã vận động chư tăng, Phật tử chùa Pháp Hoa may hàng trăm lá cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam, chuẩn bị cho Lực lượng Phật giáo yêu nước Sài Gòn – Gia Định, đặc biệt là chư tăng, Phật tử, quần chúng nhân dân phối hợp với lực lượng vũ trang Giải phóng nổi dậy giành quyền làm chủ trên địa bàn Phú Nhuận, Gò Vấp.

Đồng hành cùng đồng bào các giới thành phố Sài Gòn – Gia Định suốt chiều dài hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, bằng những đóng góp, hy sinh của mình, chư tăng, Phật tử chùa Pháp Hoa đã là cơ sở nuôi dấu cán bộ, chiến sĩ hoạt động an toàn cho đến ngày kháng chiến thắng lợi, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

KẾT LUẬN

Với những giá trị lịch sử nêu trên, ngày 23 tháng 5 năm 2017, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định số 2558/QĐ-UBND về việc xếp hạng di tích lịch sử cấp Thành phố cho chùa Pháp Hoa theo tiêu chí di tích lịch sử quy định tại Khoản 1 Điều 11 Nghị định số 98/2010/NĐCP ngày 21 tháng 9 năm 2010 của Chính phủ về Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật di sản văn hoá và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hoá.

(Phòng Văn hóa và Thông tin quận Phú Nhuận)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.