BIA GHI CÔNG MẶT TRẬN CẦU KIỆU

0
13

Với truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, hành trình tìm về những Di tích lịch sử – văn hóa trên địa bàn quận Phú Nhuận không chỉ là sự tìm về một bức tranh mang đậm dấu ấn vật chất và tinh thần phản ánh những giá trị lịch sử – văn hóa của quận nhà trong quá trình khai phá, xây dựng, đấu tranh của nhiều thế hệ của vùng đất này trong diễn tiến lịch sử, mà thông qua đó đẩy mạnh việc tuyên truyền để bảo tồn và phát huy các giá trị di tích lịch sử – văn hóa trên địa bàn quận là việc làm có ý nghĩa quan trọng góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống đấu tranh cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau, đó cũng là thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta.

Bia ghi công Mặt trận Cầu Kiệu là chứng tích lịch sử vẻ vang của quân dân Phú Nhuận – Sài gòn – Gia Định sẽ giới thiệu đến nhân dân trên địa bàn quận nói riêng và thành phố Hồ Chí Minh nói chung, đặc biệt là mong muốn góp phần giúp cho thế hệ trẻ hôm nay hiểu hơn về lịch sử, con người và vùng đất Phú Nhuận trải qua biến thiên của thời cuộc từ thuở khai hoang lập ấp, trải qua thời kỳ Pháp thuộc cho đến ngày hôm nay, vùng đất này đã ghi dấu thông qua những sự kiện lịch sử Sài Gòn – Gia Định, mà điển hình là Nam bộ kháng chiến (23/9/1945).

Hưởng không khí độc lập tự do chưa được bao ngày, nhân dân lại phải đứng lên cầm vũ khí để bảo vệ thành quả cách mạng của mình. Bọn thực dân Pháp-đã từng đầu hàng nhục nhã phát xít Nhật – nay lại len lỏi núp dưới bóng cờ đoàn quân Anh- Ấn vào giải giới đám quân Nhật bại trận, với mưu đồ tái xâm lược nước ta.Với khí thế hiên ngang của người dân một nước độc lập, làm chủ đất nước, và tinh thần sôi sục cách mạng, hàng triệu trái tim của thế hệ 1945 đã cùng nhịp đập đáp lại tiếng gọi thiêng liêng của non sông, mở đầu cho những ngày Nam Bộ Kháng Chiến đẫm máu và oai hùng. Trong đêm 23-9-1945, vài tiếng đồng hồ sau trận cầm chân giặc tại Cầu Mac Mahon (cầu Công Lý ngày nay), ở một địa điểm cũng trên Rạch Thị Nghè cách xa vài trăm mét về phía Tây Nam, cũng nổ ra một trận đánh, nhưng hơn hẳn về cường độ ác liệt, về qui mô trận địa và về âm vang sâu rộng trong Thành phố. Đó là trận Cầu Kiệu, đã được ghi đậm nét trong lịch sử truyền thống lực lượng vũ trang vùng Sài Gòn – Gia Định như một chiến tích lớn tại Phú Nhuận, đáng cho các thế hệ mai sau tự hào.

Quang cảnh Cầu Kiệu lúc đó khác xa hiện nay. Khoảng năm 1945, Cầu Kiệu đã được đúc xi măng, tráng nhựa, rộng đủ cho hai tuyến xe chạy, hai bên có bệ hẹp dành cho bộ hành, lát gạch, thành cầu rào lan can thấp, bằng sắt. Từ đầu cầu, phía Phú Nhuận là đường đất đỏ đắp bằng đá ong, hai ven đường trũng sâu, có mương thoát nước và hai hàng bàng râm mát. Trấn giữ đầu cầu, phía bên phải, là một trạm gác nhỏ kiên cố như một lô cốt – đồng bào quen gọi là Nhà Hơi. Sát cạnh trạm gác là một gốc me cổ thụ, cành lá xum xuê. Nằm trũng sâu bên dưới, sát mé rạch là một vựa củi trống trải, ghe xuồng có thể cặp sát bến. Đoạn hết dốc cầu (địa điểm nay là hẻm 27 Phan Đình Phùng, phường 17) có một dãy nhà thấp – tiệm bán tương của người Hoa – nằm giữa xóm nhà bình dân. Ở dốc cầu phía bên trái là vựa cát. Ngoài đường, phu lục lộ đang đào mương đặt ống cống xi măng. Đó là bối cảnh của Cầu Kiệu khi đã xảy ra trận đánh.

Cầu Kiệu đã chịu áp lực nặng nề của hỏa lực giặc từ phía bờ sông Sài Gòn câu pháo qua. Vào lúc nửa đêm rạng 24-9-1945, một đại đội gồm các đơn vị hỗn hợp Pháp – Anh Ấn chia làm hai cánh từ phía Tân Định kéo tới bên kia đầu cầu. Cánh thứ nhất tiến từ khu vực đường Massiges (Mạc Đĩnh Chi) bọc theo đường Paul Blanchy (Hai Bà Trưng) đến Cầu Kiệu. Cánh thứ hai từ Bến Tắm Ngựa (phía đường Mac Mahon, nay là Nam Kỳ Khởi Nghĩa) đâm xuyên qua gặp cánh thứ nhất.

Khoảng 5 giờ sáng ngày 24-9 có còi báo động tại Tòa Bố cạnh ngã tư Phú Nhuận (phường 1) hòa với tiếng tu huýt của Thanh niên tiền phong (TNTP), tiếng chiêng trống tại các đền chùa vang dội cả một vùng. Đó là hiệu lệnh tụ quân. Lực lượng của ta tập hợp tại cổng Bót Tân Bình ngay ngã tư Phú Nhuận (phường 3) xong kéo thẳng xuống Cầu Kiệu kết hợp cùng lực lượng đang ém chốt tại đây, dùng sức mạnh đông người áp đảo tinh thần giặc trong tiếng hô “Thanh niên tiến!”. Nhiều đợt xung phong của ta từ dưới dốc cầu cách vài trăm mét xông lên đầu cầu. Bọn giặc bắn trả quyết liệt nhưng có vẻ nao núng trước khí thế áp đảo của ta. Những tên lê dương nổi tiếng sừng sỏ cũng phải hoảng loạn, bắn bừa, đạn găm trên vách nhà vựa cát. Khoảng 6 giờ, được sự tăng cường của lính Nhật (với danh nghĩa giữ an ninh trật tự), bọn giặc Pháp phản công, chiếm lại cầu. Lúc 8 giờ sáng, lại thêm một đợt phản công của ta, lần này mạnh hơn, nhờ có thêm lực lượng tăng cường. Trong số những thanh niên dự cuộc phản công này có anh Trần Nguyệt Hồ, 20 tuổi, nhà ở Tân Định nhưng làm thợ tiện tại đường Lò Đúc (Nguyễn Trọng Tuyển) Phú Nhuận. Anh chiến đấu với một khẩu súng trường Pháp và là người hy sinh đầu tiên trong trận Cầu Kiệu ở đợt phản công này.

Mặt trận Cầu Kiệu do các anh Trần Văn Bang (Năm Phấn), Phan Du và Lý Kỳ Nam chỉ huy. Lực lượng chủ yếu của ta là các đoàn TNTP “Trần Cao Vân”, “Ngô Đức Kế”, “Quang Trung”, “Châu Văn Tiếp”, phối hợp cùng nhóm Dân Quân và đội Công Nhân vũ trang Phú Nhuận, phần còn lại là nhân dân quanh vùng gồm nam, phụ, lão, ấu do các đảng viên làm nòng cốt. Vũ khí của ta gồm vỏn vẹn mấy khẩu súng săn calíp 12-16 với một ít lựu đạn Nhật, còn lại là kiếm, giáo mác, dao găm, mã tấu, tầm vông vạt nhọn. Những thanh niên Phú Nhuận mới hôm qua còn là học sinh, thợ thuyền, nay đã trở thành chiến sĩ. Đồng bào Phú Nhuận – nhất là ở khu vực hai bên chân cầu – đã nhất tề đứng lên, không tiếc sức người, sức của đóng góp cho trận chiến. Từ các cụ già cho đến các em nhỏ đều tuôn ra đường, hăm hở tải thương, mang lương thực tiếp tế ngày đêm cho lực lượng chiến đấu.

Chiến lũy phòng thủ của ta ở bên này cầu được nhanh chóng dựng lên bằng cây cối ven đường, bằng ống cống xi măng, bằng xe cá, xe bò, xe kéo, xe thổ mộ, bằng bàn ghế tủ giường và những đồ đạc cồng kềnh khác. Các thớt chợ cũng được chị em bạn hàng Chợ Phú Nhuận đẩy ra tăng cường. Ghế gỗ từ rạp hát cũng được đám trai tráng kéo ra đường làm chướng ngại vật. Cả đoạn đường Louis Berland (Phan Đình Phùng), từ Cầu Kiệu đến ngã tư Phú Nhuận là một chiến lũy có chiều sâu hun hút, tuy đơn sơ nhưng vô cùng lợi hại vì ở đó đã nén chặt chí căm thù và lòng quyết tử giữ lấy quê hương…

Ta áp dụng lối đánh nghi binh nhằm tiêu diệt lần hồi lực lượng giặc. Ban đêm, ta tổ chức thành từng toán nhỏ vượt rạch quấy rối các điểm tụ quân của giặc ở bên kia cầu. Đặc biệt, đêm 24-9, ta có sáng kiến dùng thuyền nối thành một chiếc cầu nổi bắc ngang rạch, sang phối hợp cùng một đơn vị Bình Xuyên thân Cách Mạng tấn công vào cư xá Héraud của bọn Pháp và Pháp lai cạnh Hãng Sáo (quận 1). Có 300 tên giặc bị ta bắt làm tù binh đem về bên này bờ Cầu Kiệu.

Đối kháng với các ổ trung liên của giặc, ta tập trung mấy khẩu súng mút ngay dưới chân cầu, làm thành “ổ tác xạ” có công hiệu như một họng liên thanh. Trước khi muốn vượt qua cầu, giặc phải nổ súng liên tục một hồi lâu rồi mới cho vài tên lính rón rén leo lên cầu thăm dò. Ta bố trí trạm gác trên mái nhà, trên những nhánh hàng, chờ cho giặc mon men đến giữa cầu là ra hiệu cho bên dưới tập trung khai hỏa. Lối đánh này làm cho giặc phải hao quân, nhiều phen chùn bước.

Hỗ trợ cho “ổ tác xạ” của ta, đồng bào quanh vùng hễ mỗi lần nghe tiếng súng ta nổ là reo hò, gõ kẻng, đập trống, khua thùng thiếc và nồi niêu vang động cả một góc trời . Để tăng cường hiệu quả cho đòn tâm lý này, một số đồng bào trí thức biết tiếng Nhật bắc loa tay kêu gọi bọn lính Nhật bỏ hàng ngũ mang khí giới sang với ta.

Đặc biệt, trước và trong trận đánh, “đội quân tóc dài” Phú Nhuận đã có mặt khắp nơi, ngày đêm sát cánh với nam giới, tham gia tích cực trong các công tác tải thương, tải đạn, hậu cần và cả chiến đấu. Có nhiều sự kiện sôi bỏng, nhiều tấm gương quên mình cao quý đã được ghi nhận. Điển hình là trận bao vây một chiếc xe chở vũ khí cùng 04 tên liên minh Anh – Ấn tại đầu cầu của 60 chị em bạn hàng Chợ Phú Nhuận. Dưới sự huy động của chị Lê Thị Ảnh (Tám Ánh) thuộc đội Thanh Nữ Quyết Tử, các chị em trang bị gậy gộc, đá cát chia làm hai cánh đứng trên đầu gió tiến công gây thế hỏa mù khiến xe giặc hốt hoảng phải quay về Tân Định. Giữa những ngày khói lửa ác liệt, chị Tám Ánh còn lãnh nhiều nhiệm vụ nguy hiểm khác: nhờ bơi lội giỏi, chị lãnh việc chuyển vũ khí sang rạch cho lực lượng ta; ban đêm chị còn bơi xuồng giả dạng đi kéo lưới hoặc đi cắt rau muống dọc bờ rạch, dùng dao bấm rạch bao bố đựng xác của chiến sĩ ta bị giặc sát hại thả trôi lềnh dưới chân cầu đem về chôn cất. Một gương can đảm khác: chị Nguyễn Thị Hoa, chi đội trưởng phụ nữ, dù bị thương ở tay mà vẫn hiên ngang cầm cờ đi trước đốc quân xông trận. Đến các chị em làm nghề hát “ả đào” cũng tích cực tham gia công tác tải thương, tiếp tế. Nhiều chị em đã hy sinh, nhiều chị em sau này ra chiến khu. Tại hậu cứ của quân ta là xóm Mả Đỏ (P.15), có những chị em hoạt động rất tích cực, như các chị Ba Bầu, Nguyễn Thị Thu Hà, Huỳnh Thị Thà…

Trận đánh tại Cầu Kiệu kéo dài ác liệt suốt 4 ngày đêm, giằng co đến giữa tháng 10-1945 khi giặc Pháp nhảy dù xuống Tân Sơn Nhất hình thành một mũi tiến công khác, đánh bọc hậu theo hai hướng Cầu Kiệu và Cầu Mac Mahon, làm lá chắn cho lực lượng sẵn có của chúng từ hướng Sài Gòn đánh xuống. Do tương quan lực lượng quá chênh lệch, một số quân ta phải rút về Gò Vấp rồi An Phú Đông.Kết quả trận đánh, số giặc chết khá nhiều được đồng bọn mang đi. Bên ta, xác các chiến sỹ hy sinh được chôn dưới các bãi lầy ven đường, ngày nay không còn dấu vết. Phòng tuyến Cầu Kiệu bị phá vỡ, giặc Pháp trả thù bằng cách dùng đạn lửa bắn bừa bãi vào các xóm đông dân cư ở Chợ Phú Nhuận, ở xóm Chùa Bà Đầm và trong các khu vực mà người dân nơi đây gọi là Bình Địa A và Bình Địa B (các phường 15, 17 hiện nay). Có trên 200 căn nhà bị thiêu rụi khiến nhiều phụ nữ, trẻ em bị thương và chết cháy. Các chiến sĩ Thanh niên tiền phong còn lại của hai đoàn “Ngô Quyền” và “Hoàng Diệu” phải lo sơ tán cứu trợ đồng bào.

Cùng với các trận Cầu Thị Nghè, Cầu Khánh Hội, Cầu Chữ Y, trận Cầu Kiệu vùng Phú Nhuận đã mãi mãi âm vang như một bản anh hùng ca bất diệt trong lòng nhân dân thành phố. Sau giải phóng quận Phú Nhuận đã dựng  một tấm bia tưởng niệm dựng dưới chân cầu ghi dấu chiến tích vẻ vang này. Đến năm 1999 thực hiện chủ trương cải tạo kênh Nhiêu Lộc –Thị Nghè của TP.Hồ Chí Minh, bia tạm thời di dời về Nhà truyền thống quận Phú Nhuận.

Bia ghi công Mặt trận Cầu Kiệu được Quận ủy, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận phục dựng lại vào tháng 4 năm 2015 trên vỉa hè tuyến đường Trường Sa, phường 2, có kênh Nhiêu Lộc –Thị Nghè (gần với vị trí bia trước đây) với cảnh quan môi trường xanh –sạch –đẹp, nơi tập trung của nhân dân đến vui chơi, sinh hoạt và tập luyện thể dục hàng ngày. Giới thiệu lịch sử trận cầu Kiệu để mỗi người dân thêm hiểu và yêu hơn vùng đất mình đang sinh sống. Đây là công trình thể hiện mong muốn tình cảm, sự tri ân của biết bao thế hệ cán bộ, đảng viên quân và dân Phú Nhuận đối với sự hy sinh của các thế hệ cha anh bảo vệ vùng đất Phú Nhuận trong những ngày đầu Nam bộ kháng chiến.

Phòng Văn hóa và Thông tin quận Phú Nhuận

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.