CHÙA QUÁN THẾ ÂM – Di tích lịch sử cấp Thành phố

0
19

Chùa Quán Thế Âm là nơi trụ trì cuối cùng của Hòa thượng Thích Quảng Đức trước sự tự thiêu hiến thân cho cuộc đấu tranh chống chế độ độc tài Ngô Đình Diệm. Sự hy sinh của Ngài đã gây chấn động dư luận trong nước và quốc tế, khiến cho chế độ gia đình trị và kỳ thị tôn giáo của Ngô Đình Diệm  lung lay; buộc chính quyền mở cuộc thương thuyết giữa Ủy Ban Liên Phái và Ủy Ban Liên Bộ để giải quyết những nguyện vọng của Phật giáo, cùng ký vào Bản Thông báo chung là kế sách tạm hoãn của chính quyền Ngô Đình Diệm, song về mặt thương thuyết vẫn là thắng lợi lớn của Hội Phật giáo. Để tưởng niệm đức hy sinh cao cả của Hòa thượng Thích Quảng Đức tại chùa Quán Thế Âm đã cho thiết lập phòng lưu niệm Bồ tát Quảng Đức trưng bày các di vật lúc sinh thời Ngài đã từng sử dụng và đặt bia tiểu sử về sự nghiệp vì đạo vì đời của Ngài. Phía trên dãy nhà tăng cho xây dựng bảo tháp “Lửa Từ Bi” và đúc tượng đồng Bồ tát Quảng Đức đặt trong tháp.

Từ sau năm 1963 đến những ngày đầu tháng 4 năm 1975, chùa Quán Thế Âm là một trong những cơ sở cách mạng nội thành quan trọng của khu ủy Sài Gòn – Gia Định. Đại đức Thích Thông Bửu, trụ trì kế nhiệm noi gương tiền nhân tiếp tục nuôi chứa, bảo vệ cán bộ cách mạng, hỗ trợ hoạt động của Ban Văn Báo thuộc Ban Tuyên huấn của Khu ủy, Thành ủy Sài Gòn – Gia Định. Chùa Quán Thế Âm là nơi xuất phát các phong trào biểu tình của học sinh, sinh viên; là nơi liên lạc, đưa tin của bộ phận T4 thuộc tổ chức an ninh khu Sài Gòn – Gia Định; là nơi tiếp tế nuôi quân ở chiến khu Minh Đạm.

Năm 1966 – 1972, chùa Quán Thế Âm là cơ sở in ấn nửa công khai, nửa bí mật các tài liệu như: tạp chí An Lạc, tập sách “Vấn đề tù chính trị” do các tăng, ni Phật tử phát hành, in 1000 ảnh Bác Hồ phân phát đến các cơ sở, quần chúng nhân dân trong nội thành, chuyển đến các khu căn cứ và chuyển ra căn cứ Trung ương Cục miền Nam, in truyền đơn của các tổ chức, đoàn thể đấu tranh chống chính quyền Sài Gòn và tay sai.

Chùa Quán Thế Âm là nơi tuyên truyền, giáo dục lịch sử, truyền thống yêu nước đấu tranh cho giới tăng ni, phật tử. Ban Quản trị và các Phật tử luôn thể hiện tốt tinh thần “Đạo pháp và dân tộc”.

Các hiện vật thuộc di tích chùa Quán Thế Âm gắn liền với sự hình thành và phát triển chùa hoặc gắn với quá trình hoạt động của các nhân vật tại di tích được kiểm kê, bảo quản.

Chùa Quán Thế Âm được Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh, thành phố theo Quyết định số 3086/QĐ-UBND ngày 25 tháng 6 năm 2015.

(Phòng Văn hóa và Thông tin quận Phú Nhuận)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.